Hiện nay rất nhiều các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển đã khuyến khích người dân và hãng xe đẩy mạnh thị trường ô tô chạy điện để bảo vệ môi trường. Thế nhưng, nhìn chung, xe điện vẫn là một loại phương tiện có chi phí mua sắm khá cao và chưa mang tính chất đại chúng để có thể dễ dàng tiếp cận được với phần đông khách hàng có nhu cầu, vốn là người có mức thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, bằng một cách thần kỳ nào đó, người Trung Quốc đã dẫn đầu xu hướng rẻ hóa, quốc dân hóa xe điện với mẫu xe Wuling Hongguang Mini EV chỉ 5.000 đô la, tức hơn 115 triệu đồng, giải bài toán hóc búa về chi phí đầu tư ban đầu. Và ngay lập tức chiếc xe mini này trở thành mẫu xe điện bán chạy nhất thế giới, vượt qua cả đối thủ Model 3 tới từ Tesla.
Với 5.000 đô la, Wuling đã thành công tới mức, hàng loạt các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đi sau phải tạo ra những bản sao chép của nó, trong khi những hãng xe tới từ châu Âu hay Mỹ cũng phải ngả mũ kính phục người Trung Quốc làm sao có thể làm ra được những chiếc xe điện có giá cả rẻ một cách “giật mình” như vậy.
Dẫu vậy, Wuling Mini EV vẫn là một mẫu xe điện phục vụ chủ yếu cho nhu cầu của thị trường nội địa Trung Quốc, so với việc xuất khẩu ra các quốc gia khác trên thế giới nó còn nhiều hạn chế.
Chỉ trong quý I của năm 2022, theo dữ liệu từ Hiệp hội ô tô chở khách Trung Quốc (CPCA), đã có tới gần 100.000 chiếc Wuling Hongguang Mini EV được bán ra thị trường. Con số này vượt trội mọi đối thủ cùng thị trường, từ mẫu Model Y của Tesla tới các xe điện của ông lớn BYD.
Từ khi ra mắt vào tháng 6 năm 2020 tới hết quý I năm 2022, đã có hơn 600.000 chiếc Wuling Mini EV được bán ra tại Trung Quốc. Riêng năm 2021 đạt gần 400.000 chiếc. Ngoài ra, trên thị trường xuất khẩu, mẫu xe độc đáo này cũng gặt hái những thành công nhất định, với 30.000 chiếc riêng tại thị trường Indonesia trong năm 2022, theo công bố của Wuling.
Wuling Hongguang Mini EV là sản phẩm được liên doanh giữa 3 bên, với sự góp mặt của 2 đại gia ngành ô tô tới từ Mỹ và Trung Quốc là General Motors, chủ sở hữu thương hiệu Chevrolet, Cadillac, Buick và GMC cùng BAIC, chủ sở hữu thương hiệu MG và Roewe.
Dù cho có mức giá bán ra thị trường chỉ 5.000 đô la, nhưng khác xa so với mẫu xe ô tô siêu rẻ Nano tới từ Tata Ấn Độ, Wuling Mini EV không hề bị cắt giảm tính năng một cách cực đoan và nguy hiểm, ngược lại, nó còn có những tiện nghi cần thiết như một chiếc ô tô thông thường.
Chỉ với kích thước 2.971 x 1.943 x 1.621mm và chiều dài cơ sở trục dọc 1.940mm, nhưng Wuling Mini EV vẫn bố trí được 2 hàng ghế trước – sau bọc nỉ, đảm bảo có thể chở tối đa 4 người trưởng thành với trang bị đai an toàn đầy đủ trên mỗi ghế cá nhân.
Bất ngờ hơn nữa chính là, dù được cho là xe điện rẻ nhất thế giới và cũng thuộc top ô tô rẻ nhất toàn cầu, song Wuling Mini EV vẫn được trang bị chống bó cứng phanh ABS, cảm biến áp suất lốp và thậm chí cả cảm biến vật cản phía sau khi lùi.
Đổi lại, để có thể có một giá thành rẻ như vậy, Wuling chỉ trang bị một motor có công suất 17,4 mã lực, tức là chỉ mạnh hơn một chút so với công suất xe máy Honda Sh150i (16,9 mã lực). Đồng thời, xe cũng không có hộp số phân cấp như ô tô bình thường mà động cơ nối thẳng vào vi sai cầu sau, có nghĩa rằng, điều duy nhất giữ cho chiếc xe không bị trôi khi đang dừng, là phanh tay, thay vì số P (đỗ, dừng) như ô tô thông thường.
Xe có thể di chuyển tối đa 100km/h, tuy nhiên trên thực tế, vận tốc tối ưu chỉ đạt khoảng 60 – 80km/h, và có phạm vi hoạt động 120km trên một lần sạc. Ở thị trường Trung Quốc nội địa, xe có thêm option pin ưu việt hơn cho phép phạm vi di chuyển tới 170km trên một lần sạc.
Nhìn chung, Wuling Hongguang Mini EV là một mẫu xe điện độc đáo, tiên phong trong công cuộc giảm tối đa giá ô tô điện, giúp cho phần đông công chúng có thể tiếp cận. Nó rất phù hợp với thị hiếu của người dân Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á vốn rất ưa chuộng một phương tiện nhỏ gọn, dễ dàng di chuyển trong những con đường chật hẹp.
Tuy nhiên, mẫu xe Wuling Hongguang Mini EV khi bán tại Việt Nam được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên, nếu giá bán dự đoán sẽ cao (trên dưới 300 triệu đồng), cộng với thiếu nhiều trang bị cho một chiếc xe gia đình sẽ khiến nhiều người Việt lăn tăn khi xuống tiền khi còn nhiều lựa chọn ô tô cỡ A giá rẻ tương đương. Tiếp đến, do nguồn gốc xe Trung Quốc vẫn còn để lại ấn tượng chưa tốt về chất lượng cho người tiêu dùng Việt. Các mẫu xe Trung Quốc trước đó vào Việt Nam chưa chứng minh được độ bền và sự tin cậy cao về chất lượng. Muốn thuyết phục người dùng Việt, nhà sản xuất sẽ còn phải làm nhiều việc hơn ngoài công thức giá rẻ cộng kiểu dáng bắt mắt.